Changdeokgung (Hán Việt: Xương Đức Cung) là một cung điện nằm trong một công viên lớn của Seoul, Hàn Quốc. Đây là một trong năm cung điện được các vua của nhà Triều Tiên xây dựng. Xương Đức Cung là cung điện quan trọng thứ hai và đã đóng vai trò quan trọng nhất trong 270 năm cho đến khi Cảnh Phúc Cung được xây dựng lại vào năm 1868. Tuy nhiên dưới sự thống trị của đế quốc Nhật Bản đầu thế kỷ 20 thì cung điện cũng chỉ còn lại 30% các công trình.
Đảo Jeju - Khám phá những bí mật chỉ có ở trên đảo
Kiến Trúc
Các cấu trúc chính của cung điện Changdeokgung gồm có cửa Donhwamun, cây cầu bằng đá granit Geumcheongyovà Injeongjeon có chức năng như nhà làm việc của triều đình. Seonjeongjeon được dùng cho các công việc của triều đình giữa vua và các thượng thư của ngài. Daejojeon được dùng như hậu cung hoàng hậu cũng là nơi ngủ của vua và khu dạy học dành cho các hoàng tử. Các khu vườn gốc đã bị phá hủy nhiều lần. Trong suốt thời gian bị Nhật chiếm đóng các tòa nhà hiện có phần nào đã bị Tây hóa.
- Đôn Hóa môn - Donhwamun , cổng chính của Xương Đức cung , xây năm 1412.
- Nhân Chính điện - Injeongjeon , trung tâm của Xương Đức cung.
- Tuyên Chính điện - Seonjeongjeon , là nơi vương thần nghị luận cũng như tổ chức yến tiệc hay thi cử cho các Nho sinh.
- Hi Chính đường - Huijeongdang , phòng sinh hoạt hàng ngày của vua.
- Đại Tạo điện - Daejojeon , nơi sinh hoạt của các vương phi.
- Bí uyển - Biwon, kiến trúc vườn tiêu biểu của Hàn Quốc.
Một đặc điểm đặc biệt của cung điện Changdeokgung là việc xây dựng ít làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và khai thác triệt để sự hài hòa với thiên nhiên. Các tòa nhà được thiết kế và xây dựng để làm sao hòa lẫn với môi trường xung quanh liền ngay một cách dễ dàng và thậm chí các hướng đã được đưa ra xem xét cẩn thận trong việc lập kế hoạch và xây dựng. Không gian đã được sử dụng để đem lại bầu không khí hoàn toàn khác nhau trên khắp các khu vườn. Ngoài ra, nhiều quan điểm khác nhau đối với mỗi tòa nhà trên các khu vườn vẫn tiếp tục được đưa ra xem xét cẩn thận.
Tuy nhiên, các khu vườn vẫn giữ lại nhiều sự riêng tư cho cuộc sống hoàng cung, được minh chứng là có rất ít cổng vào. Vẫn còn có một số lượng lớn các hiện vật đã được bảo quản để thông tin cho chúng ta về cuộc sống ở thế giới bên trong của cung điện. Và ngay cả hôm nay, kiến trúc Cung điện Changdeokgung vẫn còn giữ lại sự thuần túy Hàn Quốc nhất trong tất cả các cung điện. Cung điện Changdeokgung đã có một ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kiến trúc Hàn Quốc về quy hoạch cảnh quan, sân vườn, nghệ thuật liên quan trong nhiều thế kỷ. Nó phản ánh các giá trị kiến trúc tinh tế, hài hòa với cảnh đẹp xung quanh. Khuôn viên cung điện là một ví dụ nổi bật của kiến trúc cung điện Viễn Đông và thiết kế sân vườn, đặc biệt là cách bày trí mà ở đó các tòa nhà được hòa nhập và hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, phù hợp với địa hình và sự duy trì độ che phủ của cây bản địa. Với các tiêu chí trên, quần thể kiến trúc Cung điên Changdeogung được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1997.
Lịch sử
Thủ đô của triều đại Joseon đã được chuyển từ Gaeseong ở phía Bắc đến Hanyang (Seoul ngày nay) vào năm 1392, nhưng cung điện thực sự được xây dựng bắt đầu vào tháng 10 năm 1404, trong năm thứ 4 trị vì của vua Taejong. Công trình chính Jeongjeon được bắt đầu xây dựng vào tháng 02 năm 1405 và được hoàn thành vào tháng 10 cùng năm. Từ đó cung điện có tên gọi là Changdeokgung nghĩa là "Cung điện phát huy đức hạnh". Cung điện đặt ở phía Đông của cung điện Gyeongbokgung nên được gọi là Đông Cung.
Đất đai vườn tược của cung điện hiện nay hơi lớn hơn so với diện tích ban đầu của chúng, vì các vị vua kế vị thường cho bổ sung suốt trong thời gian lâu dài. Mặc dù cung điện Gyeongbokgung trên thực tế lớn hơn, nhưng Changdeokgung là một nơi yêu thích của các vị vua vì nó được thiết kế và xây dựng theo thông số kỹ thuật Hàn Quốc được lưu truyền từ thời Tam Quốc (Triều Tiên), do đó còn giữ lại được nhiều truyền thống độc đáo của Hàn Quốc.
Sau khi Nhật chiếm đóng từ năm 1910, các khu đất đai vườn tược của cung điện đã được sắp xếp lại, một số bị phá hủy, và thậm chí một số công trình kiến trúc được đưa sang Nhật Bản. Cũng như các cung điện khác, nhiều công trình phụ trợ của cung điện Changdeokgung đã bị dỡ bỏ, nhìn chung nhiều khu vườn của cung điện mất đi tính chân xác của chúng. Riêng cung điện Changdeokgung vẫn còn giữ được vị trí lý tưởng của nó, phía Đông là cung điện Changgyeonggung, phía Đông Nam là Jongmyo (Tông miếu - Khu mộ tổ của hoàng tộc và đền thờ), phía Tây là nơi ở chính thức, cung điện Gyeongbokgung.
Đông Cung Đồ
Đông Quan Đồ (tạm dịch: Bản đồ Cung điện phía Đông) là một bức tranh khổng lồ được các họa sĩ Hàn Quốc vẽ vào đầu thế kỷ 19 thể hiện hai cung điện lớn trong Ngũ cung là Xương Đức cung và Xương Khánh cung dưới nhà Triều Tiên. Đông Cung là tên thường gọi của Xương Đức cung vì nó nằm phía đông của cung điện chính là Cảnh Phúc Cung tuy nhiên vẫn có cả Xương Khánh cung trong bức địa đồ này.
Bức tranh cho ta cái nhìn toàn cảnh từ trên cao xuống để bao quát hết toàn bộ lâu đài, thành quách, cầu và thậm chí là đá, cây cối trong hai cung điện cùng toàn bộ tên của chúng. Các chi tiết được vẽ cực kì tỉ mỉ bằng màu trên lụa, sử dụng cả kĩ thuật vẽ của phương Đông và phương Tây. Bức tranh được trải ra trên 16 tấm gỗ theo lối bình phong.
Bức tranh được Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc xếp vào danh sách quốc bảo (thứ 249). Nó là một tác phẩm cực kỳ giá trị trong nghiên cứu cũng như bảo tồn và phục dựng sau này. Đồng thời nó cung cấp tư liệu chân thực về thời kỳ huy hoàng của nhà Triều Tiên.
Nguồn Wikipedia.